Chiều ngày 18/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị (hình thức trực tiếp và trực tuyến) tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Nguyễn Thanh Luận, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Năm học 2022 - 2023, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản hoàn thành các phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra. Các địa phương và các cơ sở giáo dục phát huy tính chủ động linh hoạt trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên từng bước phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm mục tiêu, nội dung, đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 - 2023. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước). Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng, từng bước khẳng định vị thế giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế.

Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát, dồn điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành tiêu chí, quy trình xây dựng học liệu điện tử các cấp học làm cơ sở xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến dùng chung; đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với Trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023; việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp; chất lượng giáo dục thường xuyên vần còn hạn chế; tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn thấp; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Sau 01 buổi làm việc, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm có 09 lượt đại biểu tham gia phát biểu tham luận và thảo luận tại Hội nghị (gồm: Yên Bái, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Kon Tum, Cà Mau, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Hội Khuyến học Việt Nam). Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bày tỏ thống nhất cao đối với Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù có những khó khăn, thách thức nhưng Ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí có một số kiến nghị như sau: (1) Đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ở những địa bàn khó khăn, ở vùng biên giới hải đảo; (2) Việc thực hiện Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập” trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn khó khăn, vướng mắc do không đảm bảo về số lượng giáo viên cho số tiết và khi áp dụng chương trình giáo dục Trung học phổ thông mới; (3) Đề nghị sớm đồng bộ hoặc thống nhất trong việc thực hiện Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định số 116/2003/NĐ-CP, ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước để tạo thuận lợi trong công tác tuyển dụng viên chức; (4) Đề xuất Trung ương sớm có chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên.  

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngành Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Tiếp tục rà soát, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo, quy hoạch mạng lưới, phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Khẩn trương ban hành các chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 về phát triển giáo dục - đào tạo và các quy hoạch có liên quan; (2) Tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương xem những gì việc đã thực hiện tốt và những nội dung thực hiện chưa tốt, đồng thời rút ra bài học học kinh nghiệm; (3) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới của đất nước; (4) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp với hoàn cảnh đất nước; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, hỗ trợ vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo hiệu quả, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn ở các địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, sư phạm ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung; đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; (5) Đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ chuyên môn, kinh phí nhưng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; (6) Tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng đảm bảo quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu của người học gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước, xu hướng đô thị hóa, tốc độ gia tăng và sự dịch chuyển dân số giữa các vùng, miền, khu vực, đặc biệt là khu đô thị lớn, khu công nghiệp; (7) Tăng cường thông tin truyền thông những chủ trương, đường lối chính sách đổi mới giáo dục tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; phát hiện và tuyên truyền về những tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu để tạo sức lan tỏa, tạo động lực cho xã hội; (8) Có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ảnh: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các cháu học sinh, sinh viên phải nỗ lực, phấn đấu, học tập, rèn luyện, tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, học tập; phải biết đoàn kết yêu thương lẫn nhau, không ngừng rèn luyện để trở thành “con ngoan, trò giỏi” xứng đáng với công lao nuôi dưỡng của gia đình, thầy cô và sự kỳ vọng của xã hội. Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng các đồng chí lãnh đạo Ngành Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, các thầy cô giáo và toàn Ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, luôn luôn trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề nghiệp, nỗ lực vượt khó, kiên định, kiên trì, kiên quyết và quyết liệt thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

 

BAN BIÊN TẬPNi