Sáng ngày 03 tháng 01 năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 01 năm 2020, trong đó có nội dung quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại Hà Nội, kết nối với hơn 600 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị điểm cầu tại Hà Nội.
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cà Mau: Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Phạm Bạch Đằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Cà Mau còn có các đồng chí thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; báo cáo viên cấp tỉnh; đại diện thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; trưởng ban tuyên giáo (tuyên huấn) các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố.
Ảnh: Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày nội dung Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày nội dung Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó Nghị quyết số 52-NQ/TW đã đề ra 04 quan điểm lớn, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo đáng quan tâm đầu tiên đó là phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó phải chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước.
Bộ Chính trị cũng đã đưa ra 08 nhóm chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cụ thể như: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia; ban hành chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; chính sách hội nhập quốc tế; chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Tại Hội nghị này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
BAN BIÊN TẬP