Sáng ngày 18/8/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo để báo cáo tình hình thực hiện chuyển đổi số trong 8 tháng đầu năm 2022; thông qua Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và cập nhật Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh năm 2022.

Ảnh: Quang cảnh cuộc họp.

Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã ban hành các văn bản cụ thể hóa, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực, bước đầu đạt được kết quả tích cực: Hạ tầng mạng viễn thông được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối, liên thông 03 cấp và kết nối với trung ương; 100% cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; các ứng dụng triển khai trên nền tảng di động phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp bước đầu được xây dựng đưa vào vận hành, như: Ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G), chữ ký số, phòng họp trực tuyến… Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng hệ thống vận hành của chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc triển khai, ứng dụng các hệ thống, phần mềm quản lý dữ liệu khác nhau nên việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn khó khăn; hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn nhiều công đoạn thực hiện thủ công, dựa trên văn bản giấy; kết quả xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh còn thấp (năm 2020, xếp thứ 41/63; năm 2021 xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)…

Ảnh: Đồng chí Trần Trúc Lam, Giám đốc VNPT Cà Mau phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã trao đổi, thảo luận xoay quanh Báo cáo tình hình thực hiện chuyển đổi số 08 tháng đầu năm 2022; Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh năm 2022. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với các văn bản, đồng thời, tập trung thảo luận một số nội dung như: Cơ sở vật chất, nguồn vốn đầu tư, vai trò của người đứng đầu, nhận thức của người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số...

Ảnh: Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

- Khẩn trương ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh theo quy định. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của địa phương, đảm bảo phù hợp, thống nhất, thuận lợi trong công tác triển khai chuyển đổi số theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số.

- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao cho tỉnh thực hiện. Quan tâm chỉ đạo nhằm mục tiêu, người dân là trung tâm của chuyển đổi số, làm cho người dân thấy công nghệ số là thứ dễ dàng, thiết thực; thúc đẩy chuyển đổi số đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định thành công.

- Tiếp tục tuyên truyền tính hiệu quả, lợi ích của các phần mềm, ứng dụng đến cơ quan, tổ chức, người dân để biết và sử dụng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đề án Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số đã được ban hành, nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, nhất là chữ ký số, hộp thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; cập nhật tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo dõi chỉ đạo điều hành được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đúng quy định; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp theo quy định; đối với các cơ quan, đơn vị có Trang thông tin điện tử thành phần phải thường xuyên cập nhật thông tin.

- Nghiên cứu, đề xuất ngày Chuyển đổi số của tỉnh và xây dựng kế hoạch hoạt động ngày Chuyển đổi số năm 2022. Chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch và dự toán năm 2023 các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai chuyển đổi số theo các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch...

- Phát triển phần mềm, doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

 

BAN BIÊN TẬPNi